NHỮNG MỐC SON CHÓI LỌI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG 91 NĂM VINH QUANG CỦA ĐẢNG
I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VINH QUANG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
1. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)
- Đặc điểm của thời kỳ này là cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong lãnh đạo là Đảng Cộng sản với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, đưa cách mạng nước ta phát triển theo xu thế của thời đại đã được mở ra từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917.
- Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền (1930 - 1945) đã diễn ra với ba cao trào cách mạng chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh; cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới Cách mạng Tháng Tám 1945 (1939 - 1945). Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng ta đã trưởng thành và phát triển về mọi mặt: chính trị - tư tưởng, tổ chức, về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc và chống phong kiến không ngừng được bổ sung, phát triển, đặt nhiệm vụ chống đế quốc giải phóng dân tộc lên hàng đầu, vận dụng đúng đắn và có sự phát triển sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng thuộc địa.
- Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt, xóa bỏ chế độ thực dân và phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Đó cũng là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi”. Người nhấn mạnh: “Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc”.
2. Thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975)
- Những năm 1945 - 1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc: Xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền Nhân dân; bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06/01/1946); xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (09/11/1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của Nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ với sự ủng hộ và chi viện của cả nước; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám; thực hành sách lược khôn khéo, lúc thì tạm hòa hoãn với quân đội của Tưởng Giới Thạch để đánh thực dân Pháp, lúc thì hòa với Pháp để đuổi Tưởng Giới Thạch, thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc để triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Chúng ta đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Thành công nổi bật của hơn một năm xây dựng chính quyền non trẻ là ta đã tăng cường được sức mạnh của cách mạng để có thể tự bảo vệ trước sự tấn công từ bên ngoài.
- Tháng 12 năm 1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 07 tháng 5 năm 1954. Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Từ năm 1954 đến năm 1975, Đảng ta lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây là đặc điểm mang tính đặc thù của cách mạng Việt Nam, cùng với mục tiêu độc lập dân tộc, mục tiêu xã hội chủ nghĩa được đặt ra trực tiếp.
- Đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, thay chân thực dân Pháp, độc chiếm miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Dân tộc ta lại phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đường lối chiến tranh Nhân dân được nâng lên tầm cao khoa học và nghệ thuật. Đương đầu với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, chúng ta chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; kết hợp tiến công và nổi dậy, tiến hành đấu tranh trên cả ba vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp ba mặt trận (quân sự, chính trị và ngoại giao); phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc.
- Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong điều kiện hai miền thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết với nhau, trong điều kiện từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi Đảng ta phải vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta tập trung giải quyết tốt các mối quan hệ cơ bản: Giữa tiến hành chiến tranh cách mạng với xây dựng chủ nghĩa xã hội; giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn; giữa thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữa quy luật chiến tranh và quy luật xây dựng, phát triển kinh tế; giữa đẩy mạnh chiến tranh cách mạng ở nước ta với bảo vệ hòa bình thế giới; giữa lợi ích dân tộc với thực hiện nghĩa vụ quốc tế…
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã thu được những thành tựu quan trọng. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, miền Bắc đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; xây dựng hậu phương vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, bảo đảm mọi mặt cho tiền tuyến đánh thắng; mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bè bạn trên thế giới; tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước; tạo những cơ sở vật chất và những kinh nghiệm quý báu trong sự vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau này.
3. Thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1975 đến nay
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ này bao gồm hai giai đoạn chủ yếu:
- Từ năm 1975 đến năm 1986:
+ Sau chiến tranh, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
+ Đảng đã tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động. Tuy nhiên, trước yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm. Trong việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
+ Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của Nhân dân, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, đó là: Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/9/1979 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương; Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp; Quyết định 25/QĐ-CP, ngày 21/01/1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa V (tháng 6/1986) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng 9/1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới... Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Từ năm 1986 đến nay:
+ Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
+ Từ đó đến nay, Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới được bổ sung và phát triển ngày càng hoàn thiện. Những thành tựu, kinh nghiệm sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã tạo ra thế và lực mới; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử: Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp Nhân dân không ngừng được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, nhất là đang tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII); Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được quan tâm đúng mức; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực… Trước những chuyển biến đó, đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và tiền đồ tương lai của dân tộc.
II. NHỮNG THẮNG LỢI VĨ ĐẠI CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG SUỐT 91 NĂM QUA VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Những thắng lợi vĩ đại
Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại, đó là:
Thứ nhất: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Thứ hai: Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Thứ ba: Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Với những thắng lợi đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 90 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
2. Những bài học kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam
Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Hai là, sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân là lực lượng to lớn làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại.
Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 4 THAM GIA HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN NĂM 2022
- KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2021)
- Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021): Tháng Năm nhớ Bác
- ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI LÀ BƯỚC NGOẶT TO LỚN TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
- NHỮNG MỐC SON CHÓI LỌI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG 91 NĂM VINH QUANG CỦA ĐẢNG
- Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam
- NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM, NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN 22/12
- HƯỞNG ỨNG CUỘC THI "TÌM HIỂU LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH VÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN THANH HÓA NĂM 2020
- Nhiệt liệt chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X
- Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng"